Nhận thức đúng để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ định nghĩa và bản chất của quá trình chuyển đổi số, điều này có thể tạo ra rủi ro và lãng phí trong hoạt động kinh doanh.

Sáng 5/7, Hội Truyền thông số Việt Nam cùng Trung tâm thông tin truyền thông số tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Kiến tạo giá trị từ chiến lược dữ liệu trong bối cảnh AI”.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, giúp cộng đồng nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, kết nối các nguồn lực và tối ưu hoá tiến trình tiếp cận các giải pháp, góp phần hình thành hệ sinh thái số quốc gia, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số hiệu quả hơn.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI) cho biết, bất chấp bối cảnh hiện thực còn nhiều khó khăn, tiến trình chuyển đổi số Việt Nam đã có những bước tiến với nhiều thành tựu. Nhưng bên cạnh các kết quả đạt được, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những rào cản trong nhận thức về tiến trình chuyển đổi số.

“Thực tế, chúng ta chưa hiểu đúng, đầy đủ về các khái niệm, định nghĩa trong chuyển đổi số. Doanh nghiệp vẫn đang nhận thức, chuyển đổi số như một câu chuyện phát sinh thêm ngoài mục tiêu chính trị-kinh tế mà họ đang phải thực hiện. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng doanh nghiệp chuyển đổi số theo xu hướng, phong trào”, ông Trường Giang nêu rõ.

Khi doanh nghiệp không hiểu rõ được bản chất của chuyển đổi số sẽ không nắm được phương cách chuyển đổi, không biết cách hành động cho đúng, từ đó sẽ nghĩ gì làm nấy hoặc vừa làm vừa tính.

Để tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi nhanh và đúng hướng, Viện trưởng DTSI cho rằng, sự phối hợp, đồng hành của các bên liên quan là một trong những yếu tố cần thiết để thiết lập một cơ chế, cơ sở định hình ra những thể chế, tiêu chí, chuẩn mực về chất lượng công nghệ, dịch vụ.

Bên cạnh đó, dữ liệu cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, được xem là nền tảng, nguồn lực cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin, giải pháp cũng như sự kết nối, hợp tác. Theo ông Giang, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi, xác lập các mục tiêu khả thi và phù hợp để tạo ra sự đột phá về giá trị đưa đến sự đột phá về năng suất.

Ảnh tác giả

“Hiểu chưa đúng, hiểu sai về dữ liệu trong tiến trình chuyển đổi số không chỉ làm cho những đầu tư vào tiến trình chuyển đổi số không hiệu quả, mà ngược lại còn tạo nên những gánh nặng mới cho tổ chức. Về lâu dài còn có thể dẫn tổ chức đến những ngõ cụt, thất bại và lâm nguy”.Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số

Do đó, các doanh nghiệp, tổ chức cần có một cuộc cách mạng tư duy để hợp nhất, chuẩn hoá dữ liệu. Bởi dữ liệu được tạo ra từ mọi tiến trình hoạt động thông qua nhiều phương tiện và dưới nhiều cách thức khác nhau, điều này dẫn đến một sự đa dạng về hình thức tồn tại của dữ liệu.

“Hợp nhất về dữ liệu sẽ tạo ra một sự đột phá về năng suất thông qua việc chuẩn hóa dữ liệu định hình các tiến trình hoạt động cho phép tạo ra một hiệu ứng hội tụ giá trị”, ông Giang nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc CTCP VieON cho biết: “Cùng với tốc độ phát triển công nghệ số và Internet, các sản phẩm về công nghệ được phát triển và đưa lên không gian mạng ngày càng nhiều, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt dẫn tới tư duy về dữ liệu và sử dụng dữ liệu để quản trị vận hành và phát triển sản phẩm bắt đầu được chú ý đến và được quan tâm nhiều hơn”.

Chính vì vậy, đại diện VieON đặc biệt chú trọng đến sử dụng dữ liệu trong quản trị vận hành sản phẩm công nghệ số theo các tiêu chí: Tư duy an toàn về dữ liệu theo các quy định của pháp luật; Phân tích dữ liệu đối thủ cạnh tranh; Xây dựng hành trình và chân dung người dùng; Ra quyết định dựa vào dữ liệu trong quản trị điều hành và phát triển sản phẩm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Tịnh Minh Triết, Giám đốc giải pháp SAP Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp, tổ chức cần tận dụng dữ liệu để đưa ra phân tích, dự đoán nhu cầu của khách hàng, thị trường.

Để minh chứng rõ nét hơn, ông dẫn số liệu thống kê của MIT cho thấy có 66% CEO tại các công ty, doanh nghiệp cho rằng, việc nắm trong tay dữ liệu giúp họ có thể làm việc tốt hơn so với các đối tác và các nhà cung ứng. Chẳng hạn như các công ty Ấn Độ đã sử dụng dữ liệu để dự đoán nhu cầu, từ đó đặt mua trước nguyên liệu sản xuất với giá thấp hơn.

Hà Anh

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »