Nữ doanh nhân ngành nông sản nặng lòng với nông nghiệp Lào
Trải lòng với Mekong ASEAN về chặng đường hỗ trợ tỉnh Xaysomboun của Lào triển khai phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp, Chủ tịch CTCP Đầu tư BAGICO (Bắc Giang) Nguyễn Thị Thành Thực tâm nguyện muốn giúp nông sản nước bạn được đặt đúng giá trị của mình.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của Lào trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chưa được khai thác tốt bởi thiếu mô hình quản lý tối ưu, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Thành Thực đã có những hợp tác hỗ trợ đối tác Lào triển khai sử dụng phần mềm số hóa nông nghiệp.
Cụ thể, BAGICO cam kết đồng hành với tỉnh Bắc Giang hỗ trợ tỉnh kết nghĩa Xaysomboun (Lào) xây dựng phần mềm số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu giai đoạn 2022 – 2025, với tổng chi phí trị giá 1 triệu USD.
Ngày 28/11/2022, tại tỉnh Xaysomboun, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch CTCP Đầu tư BAGICO và ông Sisuphăn Phosaysi, Tổng giám đốc Quỹ Phát triển Xaysomboun đã ký thỏa thuận hợp tác “Chuyển giao công nghệ phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp và liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản, đặc sản Lào – Việt Nam” từ nay đến năm 2025.
Từ xuất phát điểm đầu tiên này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị BAGICO hỗ trợ toàn phía Lào phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp. Hiện thực hóa đề nghị của Bộ NN&PTNT, công ty BAGICO đã xây dựng cho phía Lào một ứng dụng mang tên LaoAgri và hỗ trợ nước bạn tập huấn sử dụng.
Ngày 26/6 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh kết nghĩa Xaysomboun sang thăm và làm việc. Hai bên cùng trao đổi về kết quả thực hiện theo các thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021 – 2025 đã ký, trong đó có hợp tác của BAGICO và Quỹ Phát triển Xaysomboun.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị CTCP đầu tư BAGICO và các doanh nghiệp Bắc Giang quan tâm đến các sản phẩm nông sản để kết nối thương mại, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tỉnh Xaysomboun các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Giao diện app LaoAgri. |
“Tôi nhìn thấy Lào không có lý do để nghèo”
Chia sẻ về câu chuyện dành nhiều tâm huyết hỗ trợ tỉnh Xaysomboun nói riêng và nông nghiệp Lào nói chung, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết, nông sản của Lào nhất là sản phẩm gia súc trâu, bò được các thị trường bên ngoài thu mua nhiều. Tuy nhiên, khâu truy xuất nguồn gốc, xin cấp C/O cho nông sản của Lào chưa hoàn thiện nên công ty BAGICO mong muốn hỗ trợ nước bạn trong vấn đề này.
Qua đó, ngoài việc giúp phía Lào hỗ trợ nông dân sản xuất quy củ hơn thì mục đích lớn nhất là hỗ trợ nước bạn xuất khẩu gia súc.
Theo bà Thực, Lào hiện chưa xây dựng được các tiêu chuẩn sản phẩm theo yêu cầu xuất khẩu. Trong khi đó, nông sản của Lào chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu cho các thị trường bên ngoài, bởi dân số ít, sức tiêu thụ thấp trong khi nền kinh tế nước này chủ yếu là nông nghiệp và lâm nghiệp.
“Tuy nhiên, nông lâm sản xuất khẩu của Lào mới chủ yếu đi qua đường tiểu ngạch vì chưa xây dựng được tiêu chuẩn sản phẩm. Đây là vấn đề cốt lõi vì sao Lào nhiều tiềm năng nông nghiệp nhưng chưa tăng được nhiều kim ngạch xuất khẩu cho đất nước”, bà Nguyễn Thị Thành Thực phân tích.
Bà Thực nhìn nhận, vấn đề của Lào là chưa có kinh nghiệm xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong khi đó, thế mạnh của Lào là chất lượng sản phẩm tốt, xuất xứ nông sản có được niềm tin tiêu dùng của các nước nhập khẩu.
Ngày 28/11/2022, BAGICO và Quỹ Phát triển Xaysomboun ký thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp từ nay đến năm 2025. |
“Tôi đồng ý hỗ trợ cho tỉnh Xaysomboun nói riêng và nông nghiệp Lào nói chung vì tôi nhìn ra được những điểm nghẽn này của nông nghiệp nước bạn. Tôi mong muốn có thể giúp họ không còn phải bán tiểu ngạch, giảm bớt chi phí trung gian không chính thức, giúp người nông dân Lào bán được nông sản của mình một cách danh chính ngôn thuận”.Chủ tịch CTCP Đầu tư BAGICO Nguyễn Thị Thành Thực
Chia sẻ về 3 mục đích lớn nhất thông qua các thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với phía đối tác Lào, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết, BAGICO sẽ hỗ trợ về quản lý nông nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn nông sản xuất khẩu và hỗ trợ quản lý xuất nhập khẩu Việt Nam – Lào.
Ví chuyển đổi số nông nghiệp Lào hiện nay được đánh giá là mới ở giai đoạn đầu phát triển, bà Nguyễn Thị Thành Thực kỳ vọng có thể biến khó khăn này thành cơ hội, với nền tảng ứng dụng LaoAgri góp phần giúp Lào chuyển đổi số nông nghiệp.
Nói riêng về tỉnh Xaysomboun, Chủ tịch BAGICO cho biết, tỉnh đặc khu của Lào có những đặc điểm riêng biệt. Xaysomboun có nhiều dân tộc H’mong vốn có kinh nghiệm làm nông nghiệp rất giỏi, chuyên nuôi bò, trồng cam quýt, trồng dứa ngon số một tại Lào. Đây cũng là những nông sản ngon nhất và nhiều nhất của Lào, đều tập trung ở tỉnh này.
Xaysomboun đã đón nhận nhiều dự án của Chính phủ Lào tài trợ cho Sở Nông nghiệp tỉnh nhưng chưa đạt hiệu quả. Nhắc lại những ý kiến của đoàn công tác Xaysomboun tại Bắc Giang vừa qua, bà Thực cho biết, phía bạn rất trăn trở về bài toán nông nghiệp của tỉnh mình, đất nước mình, nhưng vì chưa được tiếp cận với mô hình phù hợp nên còn nhiều lúng túng.
“Tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng nông nghiệp của tỉnh Xaysomboun và đất nước Lào. Họ chỉ thiếu một phương thức còn không có lý do để nghèo. Phía tỉnh đưa ra nhiều mong muốn giúp đỡ trong cuộc họp vừa qua nhưng lại chưa đưa được ra cơ sở dữ liệu đầy đủ. Do đó, BAGICO sẵn sàng tài trợ số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu các nông hộ của tỉnh”, bà Thực chia sẻ.
Với phương châm đơn giản hóa những vấn đề phức tạp để người nông dân dễ dàng tiếp cận và áp dụng, bà Thực khẳng định, chỉ cần mỗi bản đào tạo một người theo phương thức của BAGICO là có thể nắm được cơ sở dữ liệu nông nghiệp cả bản.
Dẫu biết chặng đường dài còn phía trước, nhưng doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực tin rằng, những hỗ trợ nông nghiệp số của BAGICO sẽ giúp Xaysomboun và nông nghiệp Lào sẽ được đặt ở đúng giá trị xứng với tiềm năng.
CTCP đầu tư BAGICO tiền thân là Công ty Bia rượu nước giải khát Bắc Giang. Được cổ phần hóa năm 2005 do bà Nguyễn Thị Thành Thực tiếp quản và xây dựng thành CTCP đầu tư BAGICO, chuyên buôn bán nông sản. Bà Thực hiện cũng là tác giả của phần mềm AutoAgri và là Chủ tịch CTCP Công nghệ phần mềm AutoAgri
Bà Nguyễn Thị Thành Thực đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nông sản, góp phần giúp người nông dân tiêu thụ số lượng lớn.
Phương Thảo