Nền kinh tế sẽ đạt được các mục tiêu đề ra

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư khi năm mới Giáp Thìn vừa bắt đầu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương bày tỏ tin tưởng rằng, vượt qua các khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Thưa Thứ trưởng, chúng ta đang trong những ngày đầu tiên của năm mới Giáp Thìn 2024. “Ôn cố” chính là cách để “tri tân”. Để “ôn lại chuyện cũ”, ông có thể đánh giá như thế nào về những kết quả mà nền kinh tế đạt được trong năm 2023?

Có thể nói, chúng ta đã vừa trải qua năm 2023 với vô vàn khó khăn, thách thức. Nhưng bằng nỗ lực của mình, chúng ta đã chiến thắng được những “cơn gió ngược” và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Đầu tiên, là đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô – điều hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Tiếp đến là đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá tích cực – 5,05%, thuộc diện cao khi so với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên toàn cầu. Đồng thời, đảm bảo được các cân đối lớn, đặc biệt là cân đối về ngân sách, xuất nhập khẩu, đầu tư, lao động, năng lượng…

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thực hiện được các nhiệm vụ mang tính trung và dài hạn, trong đó có 3 đột phá chiến lược, mà nổi bật nhất là đột phá về hạ tầng. Năm 2023, đã khởi công và hoàn thành nhiều dự án quan trọng của nền kinh tế, với một trong số đó là tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, giúp cải thiện chất lượng hệ thống hạ tầng. Các nhiệm vụ về an sinh, xã hội… cũng tiếp tục được quan tâm và chúng ta có đủ điều kiện về mặt tài chính để thực hiện các nhiệm vụ này một cách toàn diện và hiệu quả.

Một thành tựu nổi bật khác, gây được tiếng vang lớn trên trường quốc tế, là công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại kinh tế. Nhiều lãnh đạo thế giới đã thực hiện các chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản… và đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp mới…

Có thể nói, đúng như nhận định của một số chuyên gia quốc tế, kinh tế Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh tối màu của kinh tế toàn cầu năm 2023.

Thực tế, sau năm 2023 đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, nước ta bước vào năm 2024 với tâm thế tự tin hơn, nhưng đồng thời cũng vẫn có những âu lo. Theo Thứ trưởng, đâu là điểm có thể tiếp tục phát huy và đâu là điểm cần phải cẩn trọng trong năm 2024?

Trong thành công chung của nền kinh tế năm 2023, phải nói rằng, công tác chỉ đạo, điều hành đóng một vai trò rất quan trọng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, đánh giá và rút ra được các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, trong đó đặc biệt nhấn mạnh 3 bài học quan trọng cần tiếp tục phát huy trong năm 2024.

Đầu tiên, cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, các chỉ đạo điều hành, đặc biệt là về phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, cần nắm chắc tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt và hiệu quả. Đây là bài học rất quan trọng, quý giá, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn còn diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường như hiện nay.

Thứ ba, coi trọng sự đoàn kết, thống nhất không chỉ trong từng cơ quan, đơn vị, mà cả trong tổng thể nền kinh tế, từ đó tạo sức mạnh tổng hợp để chúng ta có thể vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhằm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, năm 2024 cũng có một số thách thức cần lưu ý hơn trong quá trình điều hành nền kinh tế.

Một là, kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình hiện nay rất khó khăn, nên cần nắm chắc tình hình, ứng phó linh hoạt, hiệu quả.

Hai là, căng thẳng địa chính trị vẫn đang rất phức tạp, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng ở Biển Đỏ – khu vực huyết mạch giao thương của thế giới – có thể gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ba là, biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường. Vừa bước sang năm 2024, đã có thiên tai xảy ra ở Nhật Bản. Đó là tiếng chuông cảnh báo để chúng ta lưu ý rằng, các vấn đề về thiên tai, biến đổi khí hậu luôn rình rập và dễ xảy ra rủi ro. Đặc biệt, năm 2024, hiện tượng El-Nino có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Việt Nam vẫn đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội khá cao trong năm 2024, trong đó tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5%. Chúng ta sẽ trông vào đâu để đạt được mức tăng trưởng này, thưa Thứ trưởng?

Khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 10/2023, chúng tôi đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể dựa trên các tính toán cả về các yếu tố thuận lợi, thách thức, rủi ro, cũng như dựa trên mục tiêu phát triển của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đây là các mục tiêu rất thách thức, nhưng chúng ta có thể đạt được, nhất là về tăng trưởng GDP.

Khi bàn về việc làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng, phải rà soát các động lực tăng trưởng. Thực tế, từ phía cung và phía cầu, các thông tin đều tích cực. Hơn nữa, Chính phủ rất quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024, khi đặt mục tiêu tăng trưởng lên ưu tiên hàng đầu, dù không lơ là chuyện ổn định kinh tế vĩ mô.

Không chỉ nhìn lại năm 2023, mà bước sang năm 2024, đã thấy những tín hiệu tích cực từ phía cung. Cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng, và dịch vụ đều tăng trưởng khá tốt.

Về phía cầu cũng có nhiều tín hiệu tốt. Đã có được con số ấn tượng về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2023. Đặc biệt, tháng 1/2024, vốn đăng ký tăng hơn 40%, vốn giải ngân tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư công giải ngân đạt hơn 93%. Xuất khẩu, tiêu dùng trong nước cũng tích cực hơn…

Nhìn vào các động lực như vậy, có thể tin tưởng, năm 2024, nền kinh tế sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Thưa Thứ trưởng, vấn đề của năm 2024, năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, không những là làm sao đạt được các mục tiêu đã đề ra, mà còn tạo nền tảng để có thể về đích vào năm 2025, đạt mức cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm. Không chỉ trông vào những động lực cũ, mà còn cần kiến tạo và phát huy các động lực tăng trưởng mới nữa. Đó là những động lực mới nào?

Ngay trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc phải rà soát các động lực tăng trưởng, bao gồm cả động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Vừa rồi, chúng ta đã nói về triển vọng của động lực truyền thống. Còn về các động lực tăng trưởng mới, tôi cho rằng, cũng có nhiều điểm sáng.

Ví dụ về kinh tế số, điều đáng mừng là phương pháp thống kê tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã hoàn thành. Năm ngoái, lần đầu tiên, Việt Nam đã tính được con số này. Theo đó, tỷ trọng kinh tế số trong GDP cỡ khoảng 16,5%. Con số này cho thấy, vẫn còn dư địa lớn để tiếp tục thúc đẩy kinh tế số trong năm 2024. Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện một loạt đề án để thúc đẩy kinh tế số. Điều đó có nghĩa, kinh tế số đang được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển, qua đó gia tăng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Đây là động lực hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, còn có các động lực khác như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Năm 2023, Việt Nam đã lần đầu tiên bán được chứng chỉ carbon. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy, chúng ta có cơ hội đi sâu vào lĩnh vực này, để một mặt thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, mặt khác cũng là cơ hội để thúc đẩy động lực tăng trưởng mới.

Các động lực mới khác nữa có thể nhắc tới, như công nghiệp bán dẫn, hay năng lượng mới hydrogen… Nước ta đang có những bước đi đầu tiên để kiến tạo những ngành công nghiệp mới. Dù là mới bắt đầu, nhưng cơ hội lại rất lớn và điều này có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam…

Những động lực mới tuy chưa thể ngay lập tức phát huy hiệu quả, nhưng tôi cho rằng, nếu tích cực thúc đẩy, sẽ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế tăng tốc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, tạo nền tảng để có thể đạt được cao nhất mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Nguồn: Báo Đầu tư online

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »