Cơ cấu lại nền kinh tế: Góc nhìn từ kỷ nguyên công nghệ – Bài 2: Nghịch lý trong phát triển
Sự trì trệ trong phát triển của các trung tâm kinh tế khiến bài toán tái cơ cấu nền kinh tế tăng thêm độ khó.
Còn quá nhiều việc cần phải làm để Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 về đích, khi già nửa số chỉ tiêu được xác định là “rất thách thức để có thể hoàn thành”. Tuy nhiên, Việt Nam đang trong cơ hội lịch sử để trở thành “không thể thiếu trong kỷ nguyên công nghệ” và bài toán cơ cấu lại nền kinh tế cần những lời giải mang tính xoay chuyển.
Bài 2: Nghịch lý trong phát triển
Sự trì trệ trong phát triển của các trung tâm kinh tế khiến bài toán tái cơ cấu nền kinh tế tăng thêm độ khó.
Đầu tàu chạy chậm
Đáng ra, dòng vốn đầu tư thế hệ mới, các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn, dự án trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo chọn Việt Nam phải không ngần ngại tìm đến vùng Đông Nam bộ, như Intel chọn TP.HCM vào năm 2006 để xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất thế giới của họ vào thời điểm đó.
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lo ngại khi nghe ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM đặt câu hỏi về việc đón “đại bàng” thế nào khi TP.HCM chỉ là “tổ chim én”. 18 khu công nghiệp của Thành phố đã lấp đầy được 80%, nếu các doanh nghiệp lớn cần diện tích từ 100 ha trở lên thì không còn chỗ… Không những thế, TP.HCM quá chậm trong phát triển các hệ thống đường vành đai, ảnh hưởng đến việc kết nối của các khu công nghiệp với nhau và với các địa phương ở trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Đây là nghịch lý, nhưng không phải do những yếu kém, sai sót, hay khó khăn nhất thời”, TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Tốc độ tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ 10 năm qua trong chiều hướng giảm dần, từ 6,87% bình quân giai đoạn 2011 – 2015, xuống 5,31% giai đoạn 2016 – 2020 và chỉ còn 2,61% trong giai đoạn 2021 – 2022. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước của vùng này cũng giảm từ 32,59% năm 2018, xuống còn 30,72% năm 2021… Vài năm gần đây, đầu tàu thậm chí còn chạy chậm hơn toa tàu.
Vấn đề là, nghịch lý này cũng đang được nhìn thấy trong cơ cấu các vùng, thậm chí các ngành trong nền kinh tế khi mà lợi thế, điều kiện phát triển vẫn đang theo hướng “có sao ăn vậy”, vẫn là lợi thế tĩnh, đẳng cấp thấp và hệ thống đô thị đời cũ với hệ thống kết nối yếu kém, không đồng bộ.
“Tôi không phản đối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thậm chí xác định rõ, chúng ta cần nhiều hơn nữa dòng vốn này, nhưng sẽ chỉ có các dự án công nghệ thấp, thâm dụng lao động, không cần kết nối với doanh nghiệp nội địa tìm đến những địa chỉ này”, TS. Thiên thẳng thắn.
Nhưng ngay cả doanh nghiệp nội địa trong vùng cũng đang giảm. Mặc dù vẫn hơn 70% số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tập trung tại Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ, nhưng trong giai đoạn 2011-2022, tỷ trọng doanh nghiệp ở Đông Nam bộ giảm tới 50,4%, xuống còn 40%, trong khi vùng Đồng bằng sông Hồng tăng 24,4%, lên 31,5%.
Đó cũng lại là một nghịch lý không phải do khó khăn hiện tại của thị trường.
Những câu hỏi từ thực tiễn
Cách đây 10 năm, trong các nghiên cứu để thực hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhận định, nếu TP.HCM không chuyển thành công sang mô hình kinh tế mới, theo hướng đổi mới, sáng tạo, thì không vùng nào ở Việt Nam làm được.
Lý do là, TP.HCM luôn là “bức tranh thu nhỏ” của kinh tế Việt Nam, nơi tập trung 1/3 doanh nghiệp cả nước. Đây cũng là vùng đất có lực lượng lao động năng động, có chất lượng, sẵn sàng thử nghiệm với các mô hình phát triển mới.
Nhưng hiện giờ, sự trì trệ, ách tắc của TP.HCM lại là đầu bài của bài toán chuyển dịch mô hình tăng trưởng.
Theo các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, đích đến của sự chuyển dịch mô hình tăng trưởng là thiết lập một danh mục tài sản mới chất lượng hơn, sử dụng trí tuệ, công nhân bậc cao, nghĩa là, không có chỗ cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động giá rẻ, thâm dụng tài nguyên. Tất nhiên, không phải mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể đi theo hướng này.
“Đông Nam bộ hay TP.HCM đang chọn và hoàn toàn đủ điều kiện để thay đổi danh mục tài sản, hàm ý là thiết lập một hệ công nghiệp mới, năng lực sản xuất mới. Các doanh nghiệp hiện hữu, các khu công nghiệp đang phục vụ các doanh nghiệp dệt may, da giày… sẽ đi đâu và chuyển dịch thế nào, bằng các quyết định thu hồi hay cơ chế chuyển dịch tài sản theo nguyên tắc thị trường để TP.HCM hay cả Đồng Nai có đất cho các khu công nghiệp công nghệ cao, các trung tâm tài chính, thậm chí cần chuyển đổi công năng các khu công nghiệp thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí đẳng cấp?”, ông Cung đặt vấn đề.
Nghĩa là, cơ chế khuyến khích, ưu đãi để thu hút dòng vốn mới, nhà đầu tư mới đẳng cấp là không đủ để các đầu tàu kinh tế trở lại với tốc độ cao và nấc thang mới như các kế hoạch tái cơ cấu.
“Chúng ta phải xác định rất rõ, doanh nghiệp sẽ không chọn di chuyển nếu họ mất đi quyền sử dụng tài sản đã thuê trong khu công nghiệp, hoặc chính quyền khai thác khu công nghiệp đó khi chưa hết thời hạn. Nhưng có quyền chuyển nhượng, các doanh nghiệp sẽ có động cơ và nguồn lực tìm kiếm địa điểm có ưu đãi, điều kiện phù với mục đích đầu tư, thay vì bám vào quyền tài sản hiện có”, ông Cung phân tích.
Khi đó, những địa phương, vùng kinh tế đi sau trong phát triển với lợi thế về quỹ đất, mong muốn thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương sẽ đón nhận các nhà đầu tư chuyển dịch. Cùng với đó là sự dịch chuyển của dòng lao động ra khỏi các thành phố, đô thị lớn, giảm áp lực rất lớn về hạ tầng, xã hội của nhiều địa phương cũng như giải được bài toán giữ chân lao động tại chỗ. Thế vào đó là không gian rộng rãi cho các nguồn lực mới…
Nhưng đó là viễn cảnh. Còn hiện tại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM, cũng như của cả nước vẫn theo nghĩa là tuần tự thực hiện các công việc phải làm theo nhu cầu phát triển, nên sẽ chậm lại khi tình hình khó khăn, đòi hỏi nhiều sự vụ cần giải quyết trước…
Nguyên lý cơ hội trong khủng hoảng
Mục tiêu khởi thủy của các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải tính từ năm 2011, khi lần đầu xuất hiện tại Nghị quyết Đại hội XI (tháng 1/2011). Trong đó, xác định đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế…
Sau đó, vào tháng 10/2011, Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI quyết định, 5 năm tới, cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước…
Nhớ lại thời điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung, khi đó là Phó viện trưởng CIEM kể, tranh luận về tái cơ cấu đã nổi lên từ cuối năm 2008, đầu năm 2009, khi kinh tế Việt Nam bộc lộ rõ các điểm yếu nội tại sau những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Nền kinh tế rơi vào thế là càng đổ thêm vốn, mở rộng tài khóa…, thì không những không đạt mục tiêu tăng trưởng, mà còn làm nặng nề hơn bất ổn kinh tế vĩ mô.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, như tái cơ cấu để giảm nhiệt các điểm nóng, sự bất ổn của tỷ giá, lãi suất, sự đình trệ trong hoạt động của doanh nghiệp, tăng trưởng suy giảm…, hay xử lý các điểm nghẽn phát triển như hệ thống tài chính – ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước với hàng loạt hệ lụy sau sự đổ vỡ của Vinashin, sự bùng nổ thiếu kiểm soát của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần…
“Điều mà đến giờ, khi có dịp ngồi lại với nhau, giới chuyên gia kinh tế tham gia xây dựng các phương án cho Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế 2013-2020 của Chính phủ cảm thấy ấn tượng là, Chính phủ đã chọn mục tiêu cao, thậm chí là tham vọng từ các phương án đề xuất. Đó là tạo ra một hệ thống động lực mới và thể chế thực thi theo cách tiếp cận thị trường để các nguồn lực đang có và sẽ có được phân bổ hiệu quả. Nhờ vậy, có động lực và sự thúc ép trong thực hiện”, ông Cung nói.
Thậm chí, giới chuyên gia tin rằng, quyết định tái cơ cấu là cơ hội để Việt Nam “tranh thủ cuộc khủng hoảng”, giải quyết các tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, đồng thời tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển cao hơn – bước nhanh vào nấc thang thứ hai trong 3 nấc thang phát triển theo tiêu chí của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Theo đó, dựa trên năng suất, chất lượng, để thu ngắn khoảng thời gian lên nấc thang cao nhất là dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhưng từ đó đến nay, đã có thêm nhiều nghị quyết, đề án của Đảng, Chính phủ được ban hành để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế theo từng giai đoạn 5 năm, kết quả đạt được không nhỏ, nhưng kinh tế Việt Nam dường như vẫn ở giai đoạn chuyển tiếp từ nấc thang thứ nhất lên nấc thang thứ hai.
Mới nhất, trong báo cáo đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ nhìn nhận, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể; mức độ cải thiện về năng suất, chất lượng chưa đạt như kỳ vọng; khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế. Cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm như đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức…
Đáng nói là, theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế quốc dân), do thiên về các chính sách quản trị tổng cầu (gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) mà thiếu những động lực thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong dài hạn, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam suy giảm qua các thập kỷ (từ 7,6% trong giai đoạn 1991-2000, xuống 7,2% trong giai đoạn 2001-2010 và 6,0% trong giai đoạn 2011-2020)…
Tốc độ tăng trưởng này tiếp tục bất ổn trước tác động của đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị trên thế giới… và những hậu quả đi kèm sau đó vẫn chưa thể tính hết.