Hội VASEAN: Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương bằng con đường ngắn nhất
Với bối cảnh Việt Nam đang có nhiều triển vọng hợp tác đầu tư trong GMS, đại diện Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN cho biết sẽ kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, giao thương trong khu vực theo con đường ngắn nhất.
Việt Nam có nhiều lợi thế trong hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS)
Phát biểu tại Diễn đàn Mekong do Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN (VASEAN) tổ chức ngày 23/9, TS. Nguyễn Hà Phương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết: “Việt Nam là mắt xích quan trọng trong việc hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế GMS gồm Hành lang Bắc Nam; Hành lang Đông Tây; Hành lang ven biển phía Nam với những dự án hạ tầng đồng bộ”.
TS. Nguyễn Hà Phương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á trình bày tại hội thảo. Ảnh: Quách Sơn |
“Với lợi thế về mọi mặt và sự nỗ lực hợp tác của mình, Việt Nam ngày càng có vị trí nổi bật trong việc kết nối các quốc gia trong GMS, là đối tác thương mại và đầu tư lớn của các nước GMS. Những lĩnh vực có triển vọng chủ yếu mà Việt Nam có thể hợp tác với các nước trong khối gồm có giao thông vận tải, năng lượng, thương mại và đầu tư, nông nghiệp và du lịch”, TS. Nguyễn Hà Phương nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế của Việt Nam, bà Phương cũng nhấn mạnh rằng để hợp tác có hiệu quả với các nước trong GMS, các Bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ hơn những cơ chế hợp tác và định hướng phát triển của GMS nói chung, để có các kế hoạch tổng thể phù hợp và hiệu quả.
TS. Nguyễn Hà Phương khuyến nghị thúc đẩy sự hợp tác giữa Nhà nước, địa phương và tư nhân để tạo ra sức mạnh trong hợp tác với GMS. Từ đó, đề xuất những dự án hợp tác cụ thể phù hợp, tránh chồng chéo, phân bổ nguồn lực.
Bàn về vấn đề đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa các nước tiểu vùng Mekong tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết: “Việt Nam là nước vừa tiếp nhận dòng vốn FDI vừa đầu tư ra nước ngoài. Trong đó các nước Tiểu vùng Mekong chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam”.
Đầu tư của Việt Nam vào các nước Tiểu vùng Mekong tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực khai khoáng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính ngân hàng và bảo hiểm; bất động sản; bán buôn và bán lẻ…
Ở chiều ngược lại, đầu tư của các nước Tiểu vùng Mekong vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí, nước; kinh doanh bất động sản; bán buôn và bán lẻ; nông lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống…
“Nhìn chung, đầu tư trực tiếp nội bộ giữa các nước Tiểu vùng Mekong còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Mặc dù dòng vốn FDI toàn cầu có xu hướng phục hồi nhưng đầu tư trực tiếp giữa các nước Tiểu vùng Mekong đang đứng trước những khó khăn thách thức lớn”.Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Anh Tuấn
Từ thực trạng trên, ông Tuấn đề xuất 5 giải pháp để gia tăng quy mô và tốc độ di chuyển FDI nội bộ Tiểu vùng Mekong gồm: Cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao khả năng chống chọi của nền kinh tế các nước trong khu vực;đơn giản hóa thủ tục pháp lý; tranh thủ sự hỗ trợ của các nước và tổ chức quốc tế; tăng cường trao đổi thông tin về các chính sách, tiềm năng thu hút đầu tư của các nước trong tiểu vùng.
Hội VASEAN: Kết nối giao thương bằng con đường ngắn nhất
Để góp phần thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác đầu tư giữa các nước ASEAN nói chung và GMS nói riêng, chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Bùi Tường Lân – Phó Chủ tịch thường trực Hội VASEAN cho biết: “Hội có vai trò xúc tiến thương mại nội khối các nước ASEAN, kết nối các doanh nghiệp giữa các nước với nhau và giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Thông qua hội, các doanh nghiệp có thể rút ngắn được quá trình tìm kiếm, xúc tiến hợp tác, đẩy nhanh quá trình kết nối giao thương”.
Phó Chủ tịch thường trực VASEAN thông tin thêm: “Để đẩy mạnh hợp tác đầu tư, trong thời gian tới, Hội sẽ triển khai việc thành lập các trung tâm xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam với các nước ASEAN”.
Ông Bùi Tường Lân – Phó Chủ tịch thường trực Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN (VASEAN). Ảnh: Quách Sơn |
Chia sẻ thêm về việc thành lập các trung tâm xúc tiến đầu tư này, ông Lân cho biết các trung tâm sẽ phối hợp với các thương vụ của Việt Nam tại các nước để kết nối các doanh nghiệp với nhau một cách ngắn nhất.
“Hội đã thành công trong việc thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc, Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam – Nhật Bản. Do vậy, một số nước ASEAN đang có mong muốn thành lập những trung tâm xúc tiến tương tự này”, ông Nguyễn Tường Lân cho biết.
Thảo Ngân