Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tích cực, cao nhất 5 năm qua

Bốn tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,28 tỷ USD. Đây là con số cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/4/2024, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 966 dự án đăng ký mới, với 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký; và 345 lượt dự án điều chỉnh, với số vốn tăng thêm đạt 1,23 tỷ USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 902 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị góp vốn 929,6 triệu USD, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 327 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, với giá trị góp vốn là 629,6 triệu USD và 575 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 300 triệu USD.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức hiệu quả đã góp phần quan trọng thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Như vậy, vốn tăng thêm và vốn điều chỉnh vẫn tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng đăng ký mới vẫn tăng ở mức rất cao, tăng cả số lượng dự án và số vốn đăng ký.

Số liệu thống kê cho thấy, ở phần đăng ký mới, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đăng ký lớn nhất, với gần 5 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 22,5%; các ngành còn lại đạt 519,6 triệu USD, chiếm 7,3%.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,03 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,68 tỷ USD, chiếm 20,1%; các ngành còn lại đạt 635,1 triệu USD, chiếm 7,6%.

Riêng đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động vận tải kho bãi đạt 277,2 triệu USD, chiếm 29,8% trị giá góp vốn; vốn đầu tư vào hoạt động chuyên môn, kho học công nghệ đạt 228,7 triệu USD, chiếm 24,6%; ngành còn lại 423,7 triệu USD, chiếm 45,6%.

Ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,59 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Tiếp đến là Hồng Kông, với 898,6 triệu USD, chiếm 12,6%; Nhật Bản 814,1 triệu USD, chiếm 11,4%; Trung Quốc 740,2 triệu USD, chiếm 10,4%; Thổ Nhĩ Kỳ 730,1 triệu USD, chiếm 10,3%; Đài Loan 512,3 triệu USD, chiếm 7,2%.

Một thông tin tích cực khác, đó là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Các con số thống kê cho thấy, lần lượt từ năm 2020 tới nay, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm đạt tương ứng 5,15 tỷ USD; 5,5 tỷ USD; 5,92 tỷ USD; 5,85 tỷ USD và 6,28 tỷ USD.

Trong mức giải ngân của 4 tháng năm nay, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,93 tỷ USD, chiếm 78,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.

Nguồn: Báo Đầu tư online

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »