Tròn 4 năm thực thi EVFTA: Xuất khẩu sang EU tăng vọt
EVFTA thực thi tròn 4 năm đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên 48 tỷ Euro vào năm 2023, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu trong số các nước ASEAN.
Giày dép là mặt hàng xuất khẩu lớn sang EU, năm cao điểm 2023 đạt 4,82 tỷ USD, tỷ lệ cấp C/O đạt gần 100%. |
Bộ Công thương cho biết, sau 4 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (01/8/2020 – 01/8/2024), tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong số các nước ASEAN.
Điểm sáng xuất khẩu
Tròn 4 năm EVFTA có hiệu lực, các chuyên gia nhận định, quan hệ kinh tế – thương mại thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam – EU. EVFTA giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết nhiều hơn về các nhà cung ứng Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước châu Âu ước đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 53,3 tỷ USD, giảm 4,7% và nhập khẩu ước đạt gần 19 tỷ USD, giảm 6,8%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường châu Âu trong năm 2023 ước đạt 34,3 tỷ USD.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc); thị trường xuất khẩu thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) và thị trường nhập khẩu thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan).”Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sau 4 năm thực thi đã giúp trao đổi thương mại hai bên tăng trưởng tích cực. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN...”
7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang EU 29,3 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ, ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng. Xuất khẩu tăng nhanh, đẩy xuất siêu sang EU đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4%.
Còn kết quả khảo sát về tác động của EVFTA sau 4 năm thực thi do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện cho thấy, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu.
Kim ngạch đã tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản.
Tuy nhiên, mức tăng xuất khẩu của EU sang Việt Nam khiêm tốn hơn nhiều, chỉ tăng từ 11 tỷ euro lên 11,4 tỷ euro trong cùng kỳ, làm tăng thêm sự mất cân bằng thương mại đáng kể.
4 năm thực thi EVFTA đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam – EU và củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu, theo EuroCham.
Tính đến nay, các nhà đầu tư EU đã rót 28 tỷ Euro vào 2.450 dự án, cho thấy niềm tin của EU vào Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu cho rằng việc giảm thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường là những lợi ích chính khi đầu tư tại Việt Nam.
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hà Lan đạt trên 6,14 tỷ USD, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023.
Đứng thứ 2 là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, tăng nhẹ 3,27%; thị trường Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, tăng 9,23%; Tây Ban Nha đạt gần 1,97 tỷ USD, tăng 20,68%.
Đáng nói, EVFTA cũng là hiệp định thương mại tự do được các doanh nghiệp biết tới nhiều và tận dụng hiệu quả cam kết trong FTA này để thúc đẩy xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng dần thích nghi với quy tắc xuất xứ với yêu cầu tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất sang EU.
Cụ thể, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong năm 2023 là 35,2%, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022.
Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như thủy sản (89,2%), rau, quả (88,3%), gạo (tận dụng hết hạn ngạch 80.000 tấn gạo EU dành cho Việt Nam hàng năm).
Giày dép – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%. Quý I/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%.
Rõ ràng, quá trình thực thi EVFTA diễn ra tương đối thuận lợi, khi 2 bên đều thực hiện hiệu quả các biện pháp cắt giảm thuế.
Tiến tới cân bằng thương mại
Bước sang năm thứ 5 thực thi FTA song phương, Việt Nam và EU đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư, vốn là điểm sáng trong những năm qua.
Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá, quan hệ thương mại và đầu tư EU – Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái thành công trong giai đoạn tới.
Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt ở những ngành mà EU không phải là nhà sản xuất chính. Các lĩnh vực như thiết bị điện tử, giày dép, dệt may, máy móc và dịch vụ hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Dẫu vậy, để duy trì thương mại song phương bền vững, theo các chuyên gia, cần thu hẹp khoảng cách về thương mại theo hướng cân bằng hơn.
Ông Dominik Meichle, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát của EuroCham chỉ ra rằng mặc dù đã đạt được tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, khi bước vào năm thứ 5 của Hiệp định EVFTA, điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, thống nhất những tiêu chuẩn, đảm bảo mọi người đều nhận biết, cũng như khai thác hiệu quả lợi ích của EVFTA.
Nguồn: Báo Đầu tư online