Thách thức mục tiêu “bơm” hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 15%, từ nay tới cuối năm 2024 các tổ chức tín dụng cần phải “bơm” hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, đây là một trong các thách thức không nhỏ.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 16/8/2024, tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Trước đó, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 6 đạt 6,1%. Như vậy, sau khi tín dụng tăng trưởng âm trong tháng 7, giảm còn 5,66% thì đến nửa đầu tháng 8 đã phục hồi trở lại, tăng thêm 0,59%.
Hồi đầu năm trong một cuộc họp báo Chính phủ, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, trong năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, nếu tính trên cơ sở dư nợ đến cuối 2023 khoảng 13,56 triệu tỷ đồng thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu này, với dư nợ đến tính cuối tháng 8/2024, còn khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng sẽ phải “bơm” vào nền kinh tế trong 4,5 tháng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đánh giá, sau đợt “tăng tốc” của tín dụng trong tháng 6, tháng 7 đã có nhịp chậm do nền kinh tế phải có thời gian hấp thụ. Tín dụng nửa đầu tháng 8 tăng lên cho thấy nhu cầu vốn của các thành phần trong nền kinh tế bắt đầu phục hồi.
“Hiện cùng với môi trường kinh tế thuận lợi hơn, lãi suất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN được cho là những yếu tố có tác động đến tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tín dụng đang tăng không đồng đều và nguyên nhân được chỉ ra, là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm. Đặc biệt, thị trường bất động sản phục hồi chậm, ảnh hưởng lớn đến cầu tín dụng.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay thực sự chỉ mới giảm được ít và vẫn còn cao so với sức khỏe của các doanh nghiệp. Đồng thời, các ngân hàng cũng siết chặt cho vay do lo ngại nợ xấu tăng mạnh.
Hiện các ngân hàng đang nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Lãnh đạo Vietinbank cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tính tới 22/6 là 7%. Tại HDBank, tăng trưởng tín dụng đến 30/6 đạt 13,3%. Tại ACB, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 6 là 12,4%…
Về phía các ngân hàng thương mại đang thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế khi liên tục tung ra nhiều chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tận tín dụng thuận lợi với chi phí hợp lý.
Đơn cử như, Agribank đang triển khai 14 chương trình, sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới, trong đó có 9 chương trình cho khách hàng cá nhân, 5 chương trình cho khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, Agribank tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng này đã có 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
ACB đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ đầu năm để tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng. Ngân hàng kiểm soát chi phí đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, đồng thời kết nối với doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề như xây dựng, dệt may, xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Một số nhà băng kiểm soát chi phí đầu vào để giảm lãi suất đầu ra, đồng thời kết nối với doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề như xây dựng, dệt may, xuất khẩu… để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, động lực tăng trưởng tín dụng còn đến từ sự khởi sắc trong hoạt động của khối FDI, xuất nhập khẩu, bất động sản khu công nghiệp.
Theo chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng phải có giải pháp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng không sử dụng hết hạn mức tín dụng sẽ phải thu hồi và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng. Chủ trương này cũng là động lực/điều kiện cho các tổ chức tín dụng phải tìm ra hướng thúc đẩy vốn, cải thiện, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân.
Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, không nên lo lắng về con số tăng trưởng tín dụng mà nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng có thể đạt thấp hơn mục tiêu 15% nhưng dòng vốn chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh cũng là điều tốt. Không nên đánh đổi an toàn hệ thống để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, nhất là khi nợ xấu vẫn đang là một nỗi lo chực chờ đối với hệ thống ngân hàng.
Nguồn: Cafef.vn