Kỳ vọng những ‘cao tốc’ trong cải cách thể chế
“Tôi rất mong muốn nhìn thấy tinh thần đang làm nên những con đường cao tốc trong công cuộc cải cách thể chế, trong quyết tâm, nỗ lực thực thi chính sách”, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ với Tiền Phong.
Không chỉ là giải phóng nguồn lực đất đai
Trong phiên họp 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai , Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, theo đó, thời gian hiệu lực mới sẽ từ ngày 1/8/2024, thay vì 1/1/2025. Ông có “bấm nút” ủng hộ quyết sách này?
Có nhiều lý do để tôi “bấm nút” ủng hộ đưa các luật sớm đi vào cuộc sống. Khi biểu quyết thông qua, tôi tin các luật, đặc biệt Luật Đất đai sẽ khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai. Hiện tại, những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo của các quy định liên quan đến đất đai đang là điểm nghẽn lớn nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Hệ quả của tình trạng này không chỉ là những khó khăn, thiếu minh bạch trong tiếp cận đất đai, trong quản lý, sử dụng đất đai mà là nguyên nhân của tiêu cực, tham nhũng và cả tình trạng rủi ro do phải vận dụng quy định để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án của nhiều địa phương. Một nguồn lực bị lãng phí, cộng những rủi ro trong thực thi các quy định về đất đai và cả tâm lý chờ đợi đang ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư – kinh doanh, tới niềm tin của cả công chức và cộng đồng doanh nghiệp.
Với nhiều nội dung mới, tích cực của Luật Đất đai, như quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, về tài chính đất đai, giá đất…khi thực hiện sẽ tháo gỡ những tắc nghẽn hiện hữu trong hàng trăm dự án bất động sản, làm thị trường bất động sản năng động trở lại. Đặc biệt, Luật Đất đai có hiệu lực sớm còn giải tỏa tâm lý chờ đợi, trì hoãn trong thực hiện luật cũ. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại.
“Bối cảnh hiện tại” mà ông muốn đề cập tới là gì?
Trong thời điểm này, chúng ta đang nói nhiều đến tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Đây được xác định là một trong những nguyên nhân của những chậm trễ trong thực hiện các dự án đầu tư công, trong sự chững lại của nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh. Quyết tâm, nỗ lực đưa các luật trên vào thực hiện sớm hơn 5 tháng của Chính phủ, đã thể hiện trách nhiệm, tinh thần “dám làm, dám chịu trách nhiệm” với sự phát triển của đất nước.
Chính phủ cũng xác định rõ, hiệu quả thực thi Luật Đất đai và các luật khác phụ thuộc vào tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn , cũng có nghĩa thấy rõ thách thức khi chủ động đề xuất rút ngắn thời gian xây dựng các văn bản này. Tôi đang thấy tinh thần làm việc thần tốc, không ngại khó, ngại khổ, đang thấy trong việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong việc xây dựng và thực hiện hệ thống pháp luật, trong nỗ lực hoàn thiện sớm, có chất lượng các văn bản hướng dẫn các luật kể trên của Chính phủ.
Song, chúng ta xác định, với hệ thống văn bản hướng dẫn khá phức tạp, khó hoàn thiện tuyệt đối, nên tinh thần là không cầu toàn, có thể đúc rút, hoàn thiện thêm trong quá trình thực hiện. Tôi tin, tinh thần và nỗ lực trong việc đưa các luật có hiệu lực sớm không chỉ là bước quan trọng để giải phóng nguồn lực đất đai (vì còn nhiều việc phải làm), mà còn góp phần giải phóng những nguồn lực trí tuệ, sáng tạo, giải phóng tinh thần kinh doanh…
Làn sóng cải cách thể chế lần thứ 2?
Việc này liệu có thể là giải pháp cho các địa phương đang chưa có cơ chế đặc thù, thưa ông?
Đây đúng là một thực tế, nhưng cũng là vấn đề đang cần được thảo luận kỹ càng hơn. Chưa bao giờ Quốc hội nhận được nhiều tờ trình của Chính phủ về cơ chế đặc thù cho các địa phương như hiện tại. Thậm chí, có đại biểu đã nói, có lẽ mỗi địa phương cần một cơ chế đặc thù để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hiện hữu trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên theo tôi, không nên có quá nhiều cơ chế đặc thù, vì như vậy sẽ không còn ý nghĩa, giá trị của cơ chế đặc thù. Hơn thế, cơ chế đặc thù, với tinh thần được phép thực hiện những thử nghiệm đang không có trong hệ thống quy định pháp luật hiện hành sẽ làm tăng sự không đồng bộ, thiếu thống nhất, chồng chéo, thậm chí không công bằng trong quy định pháp luật.
Việc xuất hiện các đề xuất, mong muốn có được cơ chế đặc thù là dấu hiệu cho thấy đòi hỏi “vượt trần thể chế” của nhiều địa phương, nhưng cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, mong muốn chủ động, sáng tạo hơn trong thực hiện các kế hoạch phát triển hướng tới đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững. Vì nguyên tắc chung của các cơ chế đặc thù là tăng phân cấp, phân quyền, chủ động của địa phương, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Các cơ chế đặc thù có lẽ chính là những thử nghiệm mang tính đột phá, cơ sở cho những kế hoạch cải cách thể chế đồng bộ. Tôi tin đây là giai đoạn thử nghiệm quan trọng để bắt đầu làn sóng cải cách thể chế lần thứ hai của Việt Nam.
Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế
Có thể bàn gì về những tư duy mới vào thời điểm này, thưa ông?
Đây là vấn đề lớn, cần phải thảo luận sâu và rộng, để có sự nhất quán về quan điểm tư duy, từ đó có hành động phù hợp. Ví dụ như, mục tiêu có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, nghĩa là tăng gấp đôi trong vòng 5 năm sẽ không thể đạt được nếu không có đột phá trong thể chế, trong môi trường kinh doanh.
Cách đây vài năm, khi sửa Luật Doanh nghiệp , tôi đã đề nghị coi hộ kinh doanh có đăng ký là “doanh nghiệp một chủ”. Điều đó không phải chỉ để có thêm 2,5 triệu doanh nghiệp mà quan trọng hơn là tạo không gian, điều kiện để thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển minh bạch, cải thiện năng lực cạnh tranh… Đến giờ, tôi vẫn bảo lưu quan điểm này, để hộ kinh doanh với tư cách là doanh nghiệp một chủ thực sự có vị trí xứng đáng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Hay tư duy về đối tác công- tư trong hợp tác giữa doanh nghiệp với Nhà nước. Bộ Công Thương đang đề xuất xây dựng Luật Phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm . Chúng ta cần phải xác định cơ chế hợp tác công tư, mở cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực, cơ hội để tham gia xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm.
Tôi muốn nhắc lại bài học về sự hậu thuẫn của Bộ Quốc phòng Mỹ với các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ những năm 70 của thế kỷ trước. Khi đó, họ cho phép khu vực tư nhân của chính đất nước họ được tiếp cận cởi mở với các phát minh cũng như thành quả công nghệ và các hợp đồng quan trọng của Chính phủ. Nhờ vậy, ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi đối mặt với cạnh tranh từ các doanh nghiệp Nhật Bản, châu Âu…
Theo tôi, tinh thần hợp tác công – tư này rất cần được thấy trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đang trình Quốc hội. Như vậy, không gian của đối tác công tư không chỉ dừng lại trong phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công như hiện tại mà mở tới các lĩnh vực phát triển, công nghiệp trọng điểm, tăng tính tự chủ, tự cường của đất nước.
Đặc biệt, để thể chế hóa quan điểm và định hướng từ Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, theo tôi, cần bổ sung các chế tài kinh tế để xử lý vi phạm, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó, còn rất nhiều tư duy mới cần đặt ra trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tất nhiên, trong quan hệ này, khu vực doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân cần tham gia hiến kế nhiều hơn, có trách nhiệm hơn trong xây dựng và thực thi chính sách. Tôi rất mong được nhìn thấy tinh thần đồng tâm, hiệp lực trong phòng chống COVID-19, trong nỗ lực xây dựng các “con đường cao tốc” được lan tỏa trong công cuộc cải cách thể chế và đổi mới của đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Cafef.vn