Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Dấu mốc quan trọng cho hội nhập kinh tế
Thông qua việc thực thi các cải cách chiến lược, chủ động tham gia và cam kết kiên định tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam có thể củng cố vị thế là một trung tâm thương mại và đầu tư năng động ở châu Á – Thái Bình Dương.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu nghiêm ngặt phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế |
Cơ hội rộng mở
Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 5 năm tham gia CPTPP (có hiệu lực từ tháng 1/2019). Cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Hiện có 11 nước tham gia CPTPP. Vương quốc Anh và các thành viên đã ký một nghị định thư gia nhập vào tháng 7/2023 sau 2 năm đàm phán. Vương quốc Anh sẽ tham gia thỏa thuận ngay khi được tất cả các bên phê chuẩn, hoặc sau 15 tháng nếu đến lúc đó Vương quốc Anh và đa số các bên đã phê chuẩn. Khối này sẽ chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu.
Vì vậy, có thể nói, CPTPP là một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất và năng động nhất trên thế giới. Trong nửa thập kỷ qua, hành trình của Việt Nam trong khuôn khổ CPTTP được đánh dấu bằng những thành tựu và thách thức đáng kể do tính chất năng động của quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Thời gian gần đây, Việt Nam phải đối mặt với một số thách thức kinh tế, chủ yếu do các yếu tố ngoại sinh như khoản nợ quốc gia khổng lồ, đặc biệt là ở khu vực Eurozone và Mỹ, sự phục hồi chậm chạp ở khu vực Eurozone, chiến tranh ở Ukraine, xung đột ở Trung Đông. Sự gián đoạn của các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ cũng đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế, khi Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế.
GS-TS. Andreas Stoffers |
Tuy nhiên, những con số ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đều đáng khích lệ. Lĩnh vực công nghiệp liên tục được mở rộng, đặc biệt là sản xuất hàng hóa công nghệ cao, xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng. Đà tăng trưởng được duy trì và các chuyên gia ước tính mức tăng trưởng năm 2024 là 6-6,5%, cao hơn nhiều so với xu hướng toàn cầu là 2,4-31%. Lạm phát vẫn là vấn đề nhức nhối, nhưng đang trong tầm kiểm soát.
Điều kiện tiên quyết cho sự phát triển tích cực của nền kinh tế Việt Nam chính là chính sách kinh tế thị trường mở mà Việt Nam theo đuổi kể từ khi thực hiện đổi mới kinh tế những năm 1980. Điều này bao gồm cam kết xây dựng nền kinh tế thị trường, nợ công thấp, chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đặc biệt là nỗ lực thiết lập quan hệ với tất cả các cường quốc trên thế giới trong thập kỷ qua.
Sự mở cửa thương mại của Việt Nam với 16 hiệp định thương mại tự do đã ký chắc chắn đóng góp đáng kể vào sự phát triển tích cực này. Tuy nhiên, do tầm quan trọng vượt trội của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI, nên CPTPP có ý nghĩa đặc biệt.
Tăng cường đối tác thương mại
Để tăng cường ngoại thương hơn nữa, Việt Nam cần phải đa dạng hóa và tăng cường các đối tác thương mại trước những thách thức địa lý mang tính chiến lược. Những kinh nghiệm rút ra trong quá khứ cho thấy, việc phụ thuộc quá mức vào một đối tác xuất nhập khẩu có thể dẫn đến khó khăn, nếu đối tác này sụp đổ vì bất cứ lý do gì.
Trong thời kỳ đại dịch, hoạt động thương mại với Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Khi đó, điều quan trọng là Việt Nam cũng có các đối tác thương mại khác sẵn sàng hỗ trợ. CPTPP đóng vai trò thiết yếu trong sự đa dạng hóa này, vì Hiệp định bao trùm các thị trường trọng điểm ở châu Á – Thái Bình Dương. Dưới góc nhìn của Việt Nam, CPTPP có vai trò tích cực khi giúp mở rộng tiếp cận sâu hơn vào thị trường Mỹ.
Đáng chú ý, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại mạnh mẽ với các đối tác mới như Canada, Mexico, Peru. Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có sự khởi sắc, từ 2,2 tỷ USD năm 2018, đạt đỉnh 2,9 tỷ USD vào năm 2022 và đạt 2,4 tỷ USD vào năm 2023.
Trong các nước thành viên, thị trường thủy sản Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Việc Vương quốc Anh đang tham gia CPTPP khiến hiệp định này càng hấp dẫn hơn đối với Việt Nam.
Đồng thời, có thêm lựa chọn cho đầu tư và chuyển giao công nghệ thông qua tăng cường hợp tác với các nước CPTPP. Trên thực tế, vốn đầu tư nước ngoài từ các nước thành viên CPTPP không ngừng tăng qua mỗi năm, năm 2019 đạt khoảng 9,5 tỷ USD, năm 2022 tăng lên khoảng 11,5 tỷ USD, năm 2023 hơn 14 tỷ USD, dự kiến tăng mạnh trong năm nay. Những nước có dòng vốn đầu tư nước ngoài đứng đầu tại Việt Nam là Singapore và Nhật Bản.
Áp lực cải cách
CPTPP cũng là động lực cho cải cách thể chế, bởi Việt Nam đã nhanh chóng sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật toàn diện để thực hiện hiệu quả các quy định. Một số văn bản được ban hành có hiệu lực hồi tố nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cam kết.
“Các hiệp định thương mại tự do như CPTPP sẽ giúp Việt Nam trên con đường trở thành một nước công nghiệp hóa vào năm 2045. Những hiệp định này không chỉ tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại suôn sẻ hơn, mà còn thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể, góp phần tăng trưởng kinh tế và khả năng phục hồi của đất nước.“
Có một số điểm đặc biệt mà Việt Nam có thể tiếp tục nỗ lực cải thiện hợp tác với các đối tác CPTPP.
Thứ nhất, vì CPTPP mang lại cả cơ hội và thách thức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển mạnh trên thị trường toàn cầu, đồng thời ngăn chặn tình trạng suy giảm thị phần trong nước. Để đạt được điều này, họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu nghiêm ngặt phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp hiện đại sử dụng công nghệ tiên tiến.
Thứ hai, việc bảo vệ thương hiệu nội địa ở thị trường nước ngoài đòi hỏi phải xem xét các yếu tố như nguồn nguyên liệu thô, nguồn gốc sản xuất và nhãn mác bao bì. Xây dựng thương hiệu mạnh mẽ giúp nâng cao niềm tin và sự công nhận trên thị trường quốc tế.
Việt Nam cũng phải nâng cấp hệ thống hậu cần, vì việc phụ thuộc nhiều vào đội tàu nước ngoài sẽ đặt ra nhiều thách thức. Để nâng cao năng lực xuất khẩu, Việt Nam nên đầu tư phát triển đội tàu vận tải biển được trang bị hệ thống lạnh đáp ứng tiêu chuẩn. Hợp lý hóa quy trình hậu cần, cải thiện cơ sở lưu trữ và đảm bảo giao hàng kịp thời cũng rất quan trọng để duy trì chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cần tích cực tạo điều kiện nghiên cứu, ban hành các văn bản pháp luật liên quan, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các cam kết của Hiệp định nhằm giảm rủi ro, tăng tính minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Việc đảm bảo tuân thủ các lĩnh vực như thuế và quy tắc xuất xứ là rất quan trọng. Ngoài ra, các biện pháp phòng vệ thương mại chủ động phù hợp với thông lệ quốc tế là rất cần thiết để bảo vệ lợi ích kinh tế của Việt Nam. CPTPP cũng kéo theo việc giảm thuế, chống chuyển dịch thuế và Việt Nam cần đảm bảo để việc giảm thuế không ảnh hưởng đến việc thu ngân sách.
Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác với các thành viên CPTPP khác để tận dụng các cơ hội thương mại và đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại tiềm năng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong hành trình 5 năm thực hiện CPTTP, Việt Nam đang đứng ở thời điểm then chốt, sẵn sàng hội nhập và thịnh vượng hơn nữa. Bằng cách giải quyết trực tiếp những thách thức hiện tại và tận dụng các cơ hội mới, Việt Nam có thể đưa ra lộ trình hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng cho người dân trong nước nói riêng và cả khu vực nói chung.
Nguồn: Báo Đầu tư online