Hé lộ mức tăng trưởng quý II, kinh tế Việt Nam nối tiếp đà phục hồi
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 6% trong quý II/2024. Đà hồi phục đang tiếp tục.
Chỉ số Sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 6,8%. |
Nền kinh tế tiếp đà hồi phục
Chỉ còn nửa tháng nữa, nền kinh tế Việt Nam sẽ đi hết chặng cuối cùng của quý II/2024. Câu hỏi đặt ra là, liệu quý II năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ là bao nhiêu và liệu nền kinh tế có đi đúng kịch bản hay không?
Rất nhiều dự báo đã được đưa ra về tăng trưởng GDP của quý II/2024. Nhóm chuyên gia tại BIDV của ông Cấn Văn Lực là một ví dụ. Theo dự báo của nhóm nghiên cứu này, tăng trưởng GDP quý II/2024 sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt 5,9-6,3%, qua đó giúp tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,8-6,2%. “Các động lực tăng trưởng đang hồi phục, dù không đồng đều”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Kém lạc quan hơn, Ngân hàng Standard Chartered ngay từ giữa tháng 4/2024 đã dự báo rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5,3% trong quý II/2024, sau đó tăng dần lên 6% trong quý III và kỳ vọng lên tới 6,7% trong quý IV/2024. Theo Standard Chartered, kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục, bất chấp rủi ro.
Trong khi đó, tại dự báo vừa được công bố, Ngân hàng UOB cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6% trong quý II/2024. Mức tăng trưởng này đạt được dựa trên các hoạt động kinh tế đang đi đúng hướng, dòng vốn đầu tư nước ngoài tích cực, sản xuất, dịch vụ đều trong đà hồi phục.
“Số liệu gần đây nhất do Tổng cục Thống kê công bố tiếp tục khẳng định triển vọng tích cực về quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5, ở mức 50,3 điểm và là lần tăng thứ 4 tích cực trong 5 tháng đầu năm”, UOB nhận định.
Số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm phải cuối tháng 6 mới được công bố. Tuy vậy, đà hồi phục của nền kinh tế là điều nhìn thấy rất rõ. Số liệu thống kê sau 5 tháng đầu năm cho thấy, Chỉ số Sản xuất công nghiệp tăng 6,8%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng tích cực, lần lượt là tăng 16,6%, 15,% và 18,2% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân đầu tư công 5 tháng đạt hơn 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, qua đó đưa được một lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng và phát triển…
Xu hướng này có thể đưa tới kỳ vọng rằng, nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 6% như dự báo của UOB.
Cuối tháng 6/2024, số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm mới chính thức được công bố, song đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là điều có thể nhìn thấy rất rõ. Ảnh: Dũng Minh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Để nền kinh tế đi đúng kịch bản
Nếu tăng trưởng GDP quý II ở mức 6% như dự báo, thì có vẻ, nền kinh tế đang tiếp tục đi đúng kịch bản.
Thực tế, sau quý I với tăng trưởng GDP ở mức 5,66%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Cụ thể, ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, tức là đạt cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Để đạt con số này, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,12%, trong đó tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.Nếu tăng trưởng GDP quý II ở mức 6% hoặc cao hơn, mà điều này có thể là một khả năng lớn, thì nền kinh tế sẽ diễn biến theo kịch bản 2 – kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khuyến nghị Chính phủ lựa chọn để chủ động trong điều hành.
Ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Theo đó, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,75%; trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1 điểm phần trăm so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Nếu tăng trưởng GDP quý II ở mức 6% hoặc cao hơn, mà điều này có thể là một khả năng lớn, thì nền kinh tế sẽ diễn biến theo kịch bản 2 – kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khuyến nghị Chính phủ lựa chọn để chủ động trong điều hành.
Tuy vậy, câu chuyện không chỉ là quý II, mà vấn đề là làm sao để nền kinh tế có thể tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đang đặt quyết tâm.
Tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ lo lắng về những khó khăn, thách thức của nền kinh tế. Theo Bộ trưởng, việc một số nước triển khai các gói kích thích kinh tế mới làm tăng thêm sức ép cạnh tranh, yêu cầu nền kinh tế phải hồi phục và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực.
Dựa trên kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chip, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Tuy vậy, thời hạn cho việc báo cáo gói chính sách này là quý IV/2024. Nghĩa là, để nền kinh tế đi đúng kịch bản, trong khi chưa có các gói chính sách mới, vẫn phải nỗ lực thực hiện các giải pháp hiện hành, từ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đến kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất nhập khẩu… Đồng thời, tận dụng và từng bước khơi thông các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Trong dự báo của mình, Ngân hàng UOB cũng cho rằng, trong khi những rủi ro bên ngoài tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế thế giới, thì triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự hồi phục của nhu cầu chip bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như những sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng đang diễn ra.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong công bố vừa được đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt khoảng 2,6% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2024. Nâng dự báo có nghĩa kinh tế toàn cầu đang tích cực hơn và điều này có thể cũng sẽ tác động tích cực hơn tới kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Tuy vậy, WB cũng cảnh báo, sức tăng trưởng vẫn yếu so với các mức từng ghi nhận trong lịch sử. Con số 2,6% là thấp hơn mức trung bình 3,1% trước đại dịch. Điều đó có nghĩa, rủi ro, khó khăn của kinh tế toàn cầu còn lớn. Trong bối cảnh ấy, kinh tế Việt Nam cũng tiếp tục đối mặt với khó khăn.
Nguồn: Báo Đầu tư online