Doanh nghiệp kiến nghị gì với Hải quan

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa chi phí, tiết kiệm thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp thông qua việc đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, chống gian lận thương mại… là những vấn đề được doanh nghiệp kiến nghị với ngành Hải quan.

Đại diện doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp dự Diễn đàn Hải quan - doanh nghiệp năm 2024.
Đại diện doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp dự Diễn đàn Hải quan – Doanh nghiệp năm 2024, sáng 10/9.

Thừa nhận hoạt động cải cách của ngành Hải quan đã có sự chuyển biến tích cực, hỗ trợ đáng kể cho hoạt động sản xuất, thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị nhiều vấn đề không mới tại Diễn đàn Hải quan – Doanh nghiệp năm 2024 với chủ đề: “10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp” .

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết: “Mặc dù thời gian qua các thủ tục hải quan đã được đơn giản hóa đáng kể, nhưng vẫn còn phức tạp đối với một số loại hàng hóa đặc thù, như hàng công nghệ cao hoặc hàng hóa song dụng. Do đó, vẫn cần đơn giản hóa thêm thủ tục hải quan”.

Việc chuẩn hóa thủ tục sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Cùng đó, Hải quan cần hoàn thiện hơn nữa khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để chúng ta có thể bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. 

Quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế tiếp tục được mở rộng và kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ngành Hải quan. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn đạt hơn 680 tỷ USD, 8 tháng năm 2024 đạt trên 511 tỷ USD, tăng gần tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng hơn 73 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Ngành Hải quan vẫn còn nhiều không gian để cải cách, đặc biệt liên quan đến rút ngắn thời gian thông quan cho doanh nghiệp”.

VCCI thời gian qua đã hợp tác với Hải quan, đo thời gian thông quan thực tế của doanh nghiệp, cho thấy dù đã thay đổi nhiều nhưng vẫn có thể cải cách được nữa. Cần thúc đẩy đổi mới quy trình để thủ tục xuất nhập khẩu diễn ra nhanh hơn, làm sao để doanh nghiệp có động lực tuân thủ.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU. FTA  thế hệ mới và toàn diện này đã mở ra những cơ hội mới cho thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế.

EVFTA đã giảm thuế đối với nhiều mặt hàng, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp châu Âu, và tạo điều kiện thiết lập một môi trường kinh doanh năng động.

Thương mại hàng hóa Việt Nam – EU năm 2023 liên tục tăng trưởng nhờ EVFTA. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực EU đạt 58,6 tỷ USD, chiếm 8,6% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước, trong đó  xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 43,68 tỷ USD, nhập khẩu từ EU 14,9 tỷ USD.

Sự gia tăng về thương mại và xuất nhập khẩu do EVFTA mang lại, theo EuroCham cũng yêu cầu một hệ thống hải quan hiệu quả và minh bạch hơn.

Khảo sát BCI cho thấy, để tận dụng tối đa lợi ích của EVFTA, hệ thống quy định hải quan cần được đơn giản hóa, đảm bảo rằng hàng hóa được di chuyển một cách suôn sẻ qua biên giới và việc tuân thủ quy định được thực hiện hiệu quả.

Hải quan Việt Nam đã hiện đại hóa hệ thống hải quan nhằm hỗ trợ vai trò ngày càng tăng của quốc gia trong thương mại toàn cầu. Đã có nhiều cải cách đáng kể nhằm tinh giản quy trình, nâng cao tính minh bạch và giảm bớt các rào cản hành chính mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Gần đây, Hải quan Việt Nam đã thực hiện một loạt các cải cách nhằm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất. Bao gồm việc áp dụng hải quan điện tử, triển khai chương trình Doanh nghiệp ưu tiên (AEO), và đơn giản hóa các thủ tục hải quan không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ các quy định mà còn giảm thiểu thời gian và chi phí thông quan.

Sự tích hợp công nghệ vào quy trình kiểm tra giám sát hải quan cũng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này, cho phép doanh nghiệp gửi tài liệu qua hệ thống điện tử, theo dõi lô hàng theo thời gian thực và hưởng lợi từ thời gian xử lý nhanh hơn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Âu kiến nghị, tiếp tục tích hợp công nghệ vào quy trình hải quan sẽ rất quan trọng để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch.

EuroCham và các thành viên sẽ chia sẻ và thúc đẩy việc áp dụng các công cụ kỹ thuật số mới để có thể giúp tinh giản thêm quy trình hải quan và giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, với các thực tiễn áp dụng tại châu Âu.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham kiến nghị: “Cần duy trì đối thoại, bởi trao đổi liên tục và định kỳ giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan giúp đảm bảo những mối quan tâm của các doanh nghiệp châu Âu được lắng nghe và giải quyết. Đồng thời, gia tăng tích hợp công nghệ vào quy trình hải quan nhằm cải thiện tính hiệu quả và minh bạch”.

Các doanh nghiệp châu Âu quan tâm nhiều đến yếu tố tuân thủ, nhưng theo họ, khi triển khai lại đối diện có nhiều yếu tố phụ liên quan đến chi phí, văn hóa, luật pháp…. Những vấn đề này cần sớm được khơi thông để giảm tối đa chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa.

Cần tăng cường giám sát và kiểm tra việc chống gian lận thương mại, nhằm đảm bảo mọi hoạt động xuất nhập khẩu đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật, giúp bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và ổn định.
Tận dụng và triển khai AI để tự động hóa nhiều khía cạnh của thủ tục hải quan như việc phát triển hệ thống quản lý rủi ro dựa trên AI sẽ giúp giảm thiểu các cuộc kiểm tra không cần thiết ,tập trung vào các lô hàng có rủi ro cao, từ đó giảm thiểu sự chậm trễ cho hàng hóa ít rủi ro.
Hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thông qua các chương trình hỗ trợ chuyên biệt cho các SME đặc biệt là trong việc tiếp cận thông tin.
Nghiên cứu phát triển cơ chế chính sách bán lẻ trong khu thương mại tự do và khu phi thuế quan. Đề xuất Hải quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách thương mại bán lẻ rõ ràng, hợp lý , bao gồm việc thiết lập định mức mua hàng miễn thuế có tính cạnh tranh so với quốc tế và khu vực, nhằm thúc đẩy du lịch trong và ngoài nước, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bắt kịp với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia,…nơi các chính sách này đang được áp dụng hiệu quả.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG.

Nguồn: Báo Đầu tư online

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »