Chuyển đổi kép: Xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp Việt

Tại Tọa đàm “Chuyển đổi kép: Câu chuyện của các doanh nghiệp tiên phong” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/8, các chuyên gia đều cho rằng chuyển đổi kép là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới.

Nắm bắt cơ hội kinh doanh

Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, con đường ngắn nhất và tiết kiệm nhất để đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, và trở thành quốc gia phát triển với thu nhập cao vào năm 2045 là thông qua chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình này, Chính phủ đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch theo hướng số hóa và xanh hóa. Đặc biệt, có những chính sách mới đang được triển khai để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kép. 

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Chí Cường)

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh rằng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số (hay chuyển đổi kép) đã trở thành những từ khóa quen thuộc, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, đây được xem là một bước ngoặt, buộc các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ tại Việt Nam phải nhanh chóng thích nghi và chuyển đổi. 

Ban đầu, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), chưa sẵn sàng cho chuyển đổi số. Nhưng khi Covid-19 ập đến, doanh nghiệp buộc phải ứng phó lập tức, thậm chí không có thời gian xây dựng chiến lược bài bản, mà phải tìm kiếm giải pháp tức thì để duy trì hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Sau khi đại dịch lắng xuống, các doanh nghiệp nhìn lại và nhận ra rằng những nỗ lực chuyển đổi trước đó mang tính tự phát và thiếu lộ trình rõ ràng. Đến nay, với cam kết của Chính phủ Việt Nam về mục tiêu Net Zero và những thách thức trong chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp mới thực sự chú trọng hơn vào việc chuẩn bị cho quá trình này. 

“Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số có mối quan hệ mật thiết, trong đó chuyển đổi số giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh nhanh hơn. Ngược lại, chuyển đổi xanh tạo ra áp lực và yêu cầu để doanh nghiệp lựa chọn các công cụ số phù hợp”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo các tiêu chuẩn bền vững mà thị trường quốc tế, như châu Âu và Mỹ yêu cầu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi nguyên vật liệu, quy trình sản xuất và quản lý kho bãi, và chuyển đổi số là công cụ giúp họ đạt được những yêu cầu này.

Bà Thuỷ cho rằng, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã có ý thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số và xanh, nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Đa số doanh nghiệp, đặc biệt là SMEs mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu của quá trình số hóa, tức là chuyển từ các tài liệu giấy sang bản mềm, và vẫn còn xa mới đạt được mức làm chủ công nghệ và phần mềm quản lý. Các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu đang trong giai đoạn từng bước số hóa, đào tạo nhân viên, và xây dựng lộ trình cho chuyển đổi số một cách bài bản hơn.

“Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tuy nhiên quá trình triển khai thực tế vẫn khá chậm. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với nhiều thách thức, từ chi phí đầu tư cao đến sự thiếu hụt nguồn lực tài chính. Các chính sách hỗ trợ tín dụng xanh đã được cân nhắc, nhưng việc xác định tiêu chí cho dự án xanh vẫn còn đang trong quá trình thảo luận, làm trì hoãn việc triển khai”, bà Thuỷ cho hay.

Bà Lê Hoài Thương, Quản lý cấp cao Truyền thông và Đối ngoại, Nestlé Việt Nam (Ảnh: Chí Cường)

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Lê Hoài Thương, Quản lý cấp cao Truyền thông và Đối ngoại, Nestlé Việt Nam chia sẻ quan điểm về chiến lược của doanh nghiệp trong việc lựa chọn và triển khai chuyển đổi kép, với trọng tâm là sự bền vững và tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng. 

Chiến lược của Nestlé dựa trên ba trụ cột, lấy người dùng làm trọng tâm, chuyển đổi xanh, và chuyển đổi số. Người dùng hiện nay đang quan tâm tới sự đổi mới sáng tạo và các sản phẩm xanh, phát thải thấp, tác động tích cực đến môi trường và đóng góp lâu dài cho xã hội.  

Về chuyển đổi xanh, tập đoàn Nestlé cam kết tới năm 2050 sẽ đạt Net Zero trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Nestle đã thực hiện nhiều sáng kiến như chuyển đổi nông nghiệp xanh, nông nghiệp tái sinh để giúp cho người nông dân trong chuỗi cung ứng canh tác phát thải thấp. 

“Với nông nghiệp tái sinh, chúng tôi không chỉ ngưng tác động tiêu cực, mà còn hướng đến tạo ra những tác động tích cực như bồi hoàn nguồn nước, tăng độ phì nhiêu của đất, đa dạng hóa sinh hóa”, bà Thương nói.

Hướng đến đầu tư để phát triển Việt Nam thành trung tâm sản xuất, đến nay, Nestlé đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 20 thị trường trên toàn cầu, trong đó có những thị trường khó tính. “Việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cách đây hơn 10 năm đã giúp chúng tôi đón đầu những quy định chặt chẽ hơn từ những thị trường khó tính như châu Âu, và duy trì việc xuất khẩu cà phê nguyên liệu và thành phẩm đến những thị trường này”, đại diện Nestlé thẳng thắn.

Với mục tiêu chung là tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng, bà Nguyễn Bằng Lăng, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững & Đối ngoại, AEON Việt Nam cho biết, Công ty đã triển khai 2 chiến lược chủ chốt nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia.

Chiến lược đầu tiên là xanh hóa và số hóa hoạt động bán lẻ, đồng thời thực hiện chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong quá trình vận hành. Điều này bao gồm việc giảm thiểu chất thải nhựa và thức ăn thừa, cũng như tối ưu hóa sử dụng năng lượng trong các cửa hàng bán lẻ. 

Chiến lược thứ hai của AEON là thúc đẩy hành vi tiêu dùng xanh và tiêu dùng số trong cộng đồng. AEON đã và đang triển khai nhiều chương trình nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng túi tái sử dụng thay vì túi nilon – một bước quan trọng trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Một trong những chương trình nổi bật là “Rent a Bag” – dịch vụ cho thuê túi môi trường, giúp khách hàng dần tạo lập thói quen sử dụng túi phân huỷ sinh học.

Sau khi áp dụng chiến lược kể từ năm 2019 đến nay, AEON đã tiết kiệm được chi phí liên quan đến 200 tấn túi nilon, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường khi lượng lớn túi nilon này không bị thải ra tự nhiên.

Vượt qua thách thức

Bà Thuỷ cho rằng, đối với các doanh nghiệp lớn như Nestlé và AEON, việc xây dựng chiến lược bền vững không phải là điều mới mẻ mà đã được thực hiện từ lâu. Họ đã xác định các yếu tố xanh và tuần hoàn ngay từ khi bắt đầu phát triển, cho thấy sự cam kết lâu dài đối với môi trường. 

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp mới nổi, việc thích ứng với xu thế xanh hóa có thể gặp nhiều khó khăn hơn. Dù vậy, một số doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp, thậm chí ở những vùng sâu, vùng xa, đã bắt đầu áp dụng các chiến lược bền vững ngay từ đầu. Điều này cho thấy xu hướng gia tăng của các doanh nghiệp trẻ hướng tới phát triển bền vững.

“Những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, nếu thành công, họ sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn, lan tỏa giá trị bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

Tọa đàm “Chuyển đổi kép: Câu chuyện của các doanh nghiệp tiên phong” do Báo Đầu tư tổ chức. (Ảnh: Chí Cường)

Đặc biệt, những doanh nghiệp lớn có thể định hình xu hướng và tiêu chuẩn cho cả ngành, giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và người nông dân trong việc áp dụng các biện pháp bền vững. Ví dụ, Nestlé có thể hỗ trợ nông dân trong việc chuyển đổi sang các phương pháp canh tác xanh thông qua các hướng dẫn và hỗ trợ cụ thể.

“Ngay từ những ngày đầu, Nestlé cam kết vì một Việt Nam thịnh vượng và phát triển xanh. Chúng tôi kiên định với những cam kết của mình, tích cực đầu tư và mở rộng tại Vietnam. Trong giai đoạn Covid-19 và giai đoạn đầu năm nay khi có công bố về thuế tối thiểu toàn cầu, và những dịch chuyển về FDI, Nestlé vẫn là một trong những doanh nghiệp công bố mở rộng đầu tư. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư vào nhà máy sản xuất cà phê thành phẩm, để không chỉ xuất khẩu nguyên liệu mà còn cả cà phê thành phẩm, có giá trị cao sang các thị trường khó tính”, đại diện Nestlé khẳng định.

Hay những tiêu chuẩn mà AEON đặt ra cho các sản phẩm đưa vào hệ thống của họ có thể buộc các nhà cung cấp phải tuân thủ các quy định về bền vững, tạo ra một chuỗi cung ứng xanh từ gốc đến ngọn. Việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe của AEON có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo dựng uy tín, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị thương hiệu. 

Bà Thuỷ kỳ vọng rằng, không chỉ riêng Nestlé và AEON mà tất cả các doanh nghiệp sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ và các tổ chức quốc tế để thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ SMEs. Bà khẳng định những doanh nghiệp này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và hướng dẫn SMEs, giúp họ nắm bắt cơ hội từ việc chuyển đổi sang kinh doanh bền vững. 

Nguồn: Báo Đầu tư online

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »