Các ông lớn liên tục “chọn mặt gửi vàng”, Việt Nam đang trở thành cường quốc sản xuất chip

Việt Nam đang trở thành một nhân tố mới quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch trong cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông lớn công nghệ Nhật, Mỹ, Đức “chọn mặt gửi vàng”

Năm 2023, Intel quyết định đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất thế giới tại thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 6 năm ngoái, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Đức, Infineon, đã thành lập một nhóm phát triển sản phẩm tại văn phòng mới ở Hà Nội, được khai trương vào tháng 6 năm ngoái.

Vào thời điểm đó, Tổng giám đốc điều hành của Infineon Technologies Châu Á – Thái Bình Dương, C S Chua, đã nói với truyền thông Việt Nam rằng: “Với dân số trẻ gần 100 triệu người, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách khai thác nguồn nhân tài kỹ thuật đặc biệt”.

Giám đốc điều hành cấp cao của Infineon, Hartmut Hiller cho biết thêm: “Trung tâm phát triển mới tại Hà Nội sẽ hỗ trợ Infineon Technologies đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thử nghiệm chức năng và thiết kế mạch tùy chỉnh, đặc biệt là đối với các giải pháp Hệ thống trên chip (SoC) hàng đầu trong ngành của chúng tôi”.

Trong khi đó, Renesas Electronics, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn tích hợp lớn nhất của Nhật Bản, đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2004 khi thành lập một nhóm thiết kế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Renesas Design Vietnam hiện là trung tâm thiết kế lớn nhất của công ty bên ngoài Nhật Bản. Renesas cũng đã thành lập các khóa học thiết kế bán dẫn tại các trường đại học Việt Nam.

Samsung Electro-Mechanics, Hana Micron Vina và Hanmi Semiconductor lần lượt sản xuất chất nền đóng gói, bảng mạch in và thiết bị đóng gói bán dẫn tại Việt Nam.

Sự hiện diện lớn nhất của nước ngoài trong ngành bán dẫn Việt Nam là từ Mỹ. Ngoài Intel, các công ty Mỹ có hoạt động tại Việt Nam bao gồm Microchip, Marvell, Qualcomm, Synopsis, Cadence, Savarti, Uniquify và Amkor.

Đường tới mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn

Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030, con số này cao gấp khoảng 10 lần so với hiện nay. Thời gian gần đây, các hợp tác liên quan đến đào tạo, phát triển cũng ngày càng được mở rộng.

Ngân hàng đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) FCC Partners đang hợp tác với FPT Software của Việt Nam để thành lập Quỹ phát triển bán dẫn Việt Nam.

Synopsis, công ty tự động hóa thiết kế điện tử hàng đầu thế giới, có hơn 500 nhân viên tại một số địa điểm tại Việt Nam. Năm 2023, công ty đã ký Biên bản ghi nhớ với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng để hỗ trợ Trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch Đà Nẵng; với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC) để phát triển chuyên môn thiết kế vi mạch; và với Cục Công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ thành lập viện nghiên cứu bán dẫn.

Việt Nam cũng có các công ty thiết kế bán dẫn riêng, bao gồm FPT Semiconductor và VN Chip. Với sự hỗ trợ của các trường đại học, vườn ươm khởi nghiệp, các tập đoàn lớn và tổ chức tài chính, các khu công nghiệp công nghệ cao, các ưu đãi và trợ cấp về thuế, dự kiến số lượng công ty chuyên về bán dẫn tại Việt Nam sẽ còn gia tăng.

Năm ngoái, NIC cũng đã công bố hợp tác với đối thủ cạnh tranh Synopsis là Cadence để đẩy nhanh quá trình đổi mới thiết kế IC tại Việt Nam. Theo thỏa thuận, các công cụ thiết kế Cadence được cung cấp cho các trường đại học, trung tâm đào tạo và công ty khởi nghiệp của Việt Nam. NIC cũng đã đạt được thỏa thuận với Đại học bang Arizona để phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu liên quan đến chất bán dẫn.

Phát biểu tại phiên thảo luận “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam” tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4, Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, Tiến sĩ Nguyễn Thành Tiến từ Samsung Display chia sẻ ông có niềm tin rất tích cực vào tương lai phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn việt Nam.

Việt Nam có độ mở của nền kinh tế thông qua các hiệp định kinh tế. Dân số trẻ, nguồn lực lớn phục vụ cho các nhà máy sản xuất quy mô công nghiệp lớn. Khả năng của người việt trong tiếp thu công nghệ và thích nghi trong môi trường làm việc cường độ cao rất lớn.

Về mục tiêu 50.000 kĩ sư trong ngành bán dẫn của Việt Nam, ông Tiến nhận định con số này hoàn toàn có thể đạt được. Lấy ví dụ như trong khu vực, Malaysia chỉ có 30 triệu dân nhưng họ đặt mục tiêu 60.000 kĩ sư trong bán dẫn, cũng tập trung vào lĩnh vực như Việt Nam đang tập trung là thiết kế, đóng gói kiểm thử.

Hay tại Hàn Quốc, các trường đại học lớn sẽ có sự kết hợp với các tập đoàn lớn, trong khi công ty vừa và nhỏ sẽ phối hợp thêm với các trường đai học địa phương, có “hub” đề ra chính sách phát triển công nghệ lõi, cũng có những khóa đào tạo ngắn hạn trong ngành bán dẫn…

Nguồn: Cafef.vn

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Translate »