Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay ưu đãi
Ngày 18/9, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN và Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo về phương thức tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển DNNVV”.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN nhận định, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong bối cảnh hoạt động đầu tư kinh doanh nhiều khó khăn, vấn đề ưu tiên của các doanh nghiệp luôn là nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn vốn ưu đãi .
Ông Phạm Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN. Ảnh: Thảo Ngân – Mekong ASEAN. |
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vay vốn với lãi suất chỉ từ 1,2%/năm
Khẳng định một tâm thế sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp SMEs phát triển, ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, diễn giả chính tại hội thảo do Hội VASEAN tổ chức cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn và đã ban hành các nghị định cụ thể.
Ví dụ như Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 về thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) và mới nhất là Nghị định số 45/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 26/4/2024 về Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp SMEs tiếp cận thêm được một kênh vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Quỹ cũng đang có những ưu đãi rất tốt cho các doanh nghiệp này, lãi suất cho vay của quỹ bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay của 4 ngân hàng thương mại. Đặc biệt qua Nghị định số 45/2024/NĐ-CP vừa rồi, mức lãi suất lại được giảm thêm 20% nữa. “Như vậy, đến nay chưa có tổ chức nào trong hoạt động hỗ trợ cho vay có lãi suất thấp như vậy,” ông Hà chia sẻ.
Giám đốc Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng thông tin thêm, hiện mức lãi suất cho vay ngắn hạn là 1,2%/năm, lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn là 4,4%/năm. Doanh nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và không có vi phạm gì có thể tiếp tục nộp hồ sơ để vay lần 2.
Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Thảo Ngân – Mekong ASEAN. |
Thông tin cụ thể hơn về các điều kiện và điều khoản cho vay, bà Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, hiện quỹ đang thực hiện cho vay gián tiếp bằng hình thức doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn qua các ngân hàng thương mại, thỏa mãn các điều kiện của ngân hàng sau đó quỹ sẽ chuyển vốn về phía ngân hàng để giải ngân cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quỹ sẽ ưu tiên cho vay với các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, các doanh nghiệp thuộc ngành nghề chế biến, chế tạo, sản xuất, các ngành nghề tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng hoặc các doanh nghiệp trong một chuỗi liên kết sản xuất, bà Thủy thông tin.
Về điều kiện vay vốn, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định; có dự án phương án sản xuất kinh doanh khả thi; đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư.
Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của quỹ đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa không được vượt quá 15% vốn điều lệ của quỹ.
Bà Thủy cũng cho biết thêm, lãi suất cho vay từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp và cố định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận. Quỹ cũng đang làm việc với nhiều ngân hàng có độ phủ chi nhánh rộng khắp các tỉnh, thành để doanh nghiệp có thêm lựa chọn trong tiếp cận vốn.
Doanh nghiệp mong muốn nới rộng các điều kiện cho vay và được giải ngân trực tiếp từ quỹ
Tại buổi hội thảo, nhiều đại diện doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm tới hoạt động vay vốn từ quỹ, đặt câu hỏi về một số tiêu chí cụ thể như làm thế nào để xác định mình là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp cũng đề xuất nới rộng các điều kiện về tài sản đảm bảo; hạn mức vay tối đa từ quỹ và mong muốn được trực tiếp giải ngân từ quỹ mà không thông qua ngân hàng…
Trả lời những thắc mắc trên, ông Phan Thanh Hà, Giám đốc quỹ cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa là các doanh nghiệp được thành lập, tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỉ và vừa tại Điều 5, Nghị định số 80/2022/NĐ-CP ngày 26/8/201 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều kiện của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về hạn mức cho vay với mỗi doanh nghiệp là 15% vốn điều lệ của quỹ, ông Hà cho biết mỗi doanh nghiệp sẽ được vay tối đa 120 tỷ đồng, tuy nhiên quỹ cũng đang làm hồ sơ tăng vốn, vì vậy số tiền vay vốn có thể tăng trong tương lai.
Về các đề xuất nới rộng điều kiện tài sản đảm bảo, theo ông Hà các điều kiện này phụ thuộc vào phía ngân hàng nhận hồ sơ vay vốn.
Về một số đề xuất quỹ cho vay trực tiếp không thông qua ngân hàng, ông Hà cho biết việc này đang được quỹ nghiên cứu, hoàn thiện các khung pháp lý, trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Hiện do nhân lực quỹ còn mỏng, thiếu các cơ sở pháp lý nên chưa thể trực tiếp giải ngân tới các doanh nghiệp và thẩm định hồ sơ, vì vậy vẫn cần thông qua các ngân hàng.
Hội thảo “Phương thức tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển DNNVV”. Ảnh: Thảo Ngân – Mekong ASEAN. |
Chia sẻ với Mekong ASEAN bên lề hội thảo, anh Lê Văn Thắng, Giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại Eherbal, đơn vị sản xuất dược liệu có trụ sở tại Hà Đông, TP Hà Nội cho biết: “Eherbal đang có dự định vay vốn khoảng 15 tỷ đồng để mở rộng hoạt động kinh doanh nên rất quan tâm đến hoạt động cho vay của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên các điều kiện cho vay và tài sản đảm bảo từ phía ngân hàng còn khá nghiêm ngặt do vậy Eherbal mong muốn quỹ sớm hoàn thiện cơ chế cho vay trực tiếp để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Cùng chia sẻ ý kiến các doanh nghiệp, ông Phạm Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEANcho biết:
“Có nhiều doanh nghiệp vướng mắc ở khâu xét duyệt hồ sơ do không đạt tiêu chí, phía ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải mở rộng hơn hoạt động kinh doanh trong khi một đồng vốn có thể chỉ tạo ra một đồng doanh thu, vì vậy việc mở rộng là rất khó khăn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một nút thắt khác trong quá trình vay vốn của doanh nghiệp chính là tài sản đảm bảo khi phải đáp ứng các điều kiện quy định, đôi khi là ngặt nghèo. Mỗi ngân hàng lại một khẩu vị xác định tài sản đảm bảo riêng, hơn nữa một số ngân hàng khi xét duyệt tài sản đảm bảo nhận định giá trị sẽ thấp đi trong tương lai cũng ảnh hưởng đến việc vay vốn của doanh nghiệp”.
Do vậy, ông Mạnh đề xuất Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm có cơ chế cho vay trực tiếp tới các doanh nghiệp, đồng thời tập hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp để đề xuất với phía ngân hàng xem xét cân nhắc nới lỏng các điều kiện cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp tiềm năng.